Khám Phá Phố Hàng Dầu | Du lịch Hoàn Kiếm Chi Tiết

Cùng Mẹo Hay Today Khám Phá Phố Hàng Dầu | Du lịch Hoàn Kiếm Ngay Nào:

Giới thiệu Phố Hàng Dầu

Phố cổ Hàng Dầu có chiều dài 185m, chạy từ ngã tư Hàng Thùng nối với phố Hàng Bè đến ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” – cạnh đền Bà Kiệu, đoạn đối diện đền Ngọc Sơn.

Phố Hàng Dầu được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Bên Hồ (rue de Lac), từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 lấy lại tên là phố Hàng Dầu. Nay phố thuộc hai phường Hàng Bạc và Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Xưa kia, người dân Hà Thành biết đến phố Hàng Dầu chuyên buôn bán các loại dầu thảo mộc. Ngày nay, những mặt hàng truyền thống ấy không còn tồn tại nữa mà thay vào đó là các sạp hàng bán giầy dép của những nhà ngoài mặt phố.

Hàng Dầu được coi là trung tâm buôn bán vào loại sôi động nhất Thủ đô Hà Nội bởi sự buôn bán tấp nập từ sáng đến hơn 10 giờ tối. Các mặt hàng giầy dép đủ mọi chủng loại, màu sắc thì vô cùng phong phú nhưng phần lớn không niêm yết giá trên sản phẩm. Vì thế, người chủ vô tư “hét giá” và khách hàng thì thỏa sức “mặc cả”, nếu ai không mạnh dạn trả giá thì sẽ bị mua hớ.

Phố Hàng Dầu nằm sát hồ Hoàn Kiếm, một nơi được coi là hòn ngọc của Thủ đô, là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Du khách tham quan thắng cảnh hồ Gươm rồi thường dạo quanh khu phố cổ để mua sắm và tìm hiểu văn hóa cổ Thăng Long xưa-Hà Nội ngày nay.

Trên phố Hàng Dầu đã từng tồn tại rạp chiếu phim đầu tiên ở Việt Nam – rạp Pathé”mà hiện nay hiếm có người còn nhớ tới nó. Năm 1899, điện ảnh được du nhập vào Việt Nam, ban đầu chỉ là những buổi chiếu phim trong các khách sạn, nhà hàng lớn nhân những ngày lễ quan trọng.

Đến năm 1920 ở Hà Nội, một người Pháp là Aste bỏ tiền xây dựng rạp Pathé nằm bên trái đền Bà Kiệu (hiện tại nền rạp Pathé được dựng tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”). Rạp được khánh thành vào ngày 10/8/1920. Rạp Pathé là rạp chiếu bóng cổ nhất Hà Nội, cũng là cổ nhất Việt Nam và Đông Dương.

Có lẽ, người dân phố Hàng Dầu ít ai còn nhớ và biết đến một gia đình nhà văn tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những người viết truyện ngắn đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ theo khuynh hướng hiện thực phê phán, có vị trí nhất định trong lịch sử văn học Việt Nam.

Ông là Phạm Duy Tốn (1883-1924), sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán dầu hỏa ở phố Hàng Dầu, Hà Nội. Ông cũng đóng góp đáng kể vào việc sưu tầm vốn cũ trong kho tàng văn hóa dân gian.

Tác phẩm của ông gồm có “Sống chết mặc bay“, “Bực mình“, “Con người sở khanh“, “Nước đời lắm nỗi“, “Tiếu lâm An Nam.” Trong đó, “Sống chết mặc bay” là truyện ngắn đầu tay và nổi tiếng nhất của Phạm Duy Tốn, cũng là truyện ngắn đầu tiên của nền văn học mới Việt Nam, đã được đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn văn học ở cấp giáo dục phổ thông.

Ông là cha của các nhà văn, nhà giáo, nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy Khiêm (1908-1974), nhà giáo, nhà văn, chính trị gia, được trao giải Văn chương Đông Dương (Prix Littéraire DIndochine) lần đầu tiên và giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm Pháp; Phạm Duy Nhượng (1919-1967), nhà giáo, nhạc sĩ; Phạm Duy (sinh ngày 5/10/1921), tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc nổi tiếng của Việt Nam.

Đoạn cuối phố Hàng Dầu chỉ có một bên nhà số lẻ, nhà cuối cùng mang số 47 là trụ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, sát liền nhà mang số 59 phố Đinh Tiên Hoàng.

Hàng Dầu nằm trong khu phố cổ nổi tiếng, mang đậm nét văn hóa Hà Nội xưa, đang được đầu tư, nghiên cứu để bảo tồn, gìn giữ. Ngày nay, vào thời đổi mới, hội nhập, Hà Nội đã rộng gấp nhiều lần xưa kia, không ai nhớ hết tên phố mới Hà Nội bây giờ, nhưng 36 phố phường xưa thì không thể quên được và vẫn còn đó.

Hiện Ủy ban Nhân dân Hà Nội đang vận động bà con phố nào thì kinh doanh đúng loại hàng đã thành tên phố, để thành một thương hiệu riêng, phục vụ khách du lịch. Đặc biệt vào thời điểm lịch sử lớn – Đại Lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội đang ngày càng đến gần, du khách đến với Hà Nội sẽ hiểu thêm văn hóa Thăng Long-Hà Nội./.

Nguồn Links: Phố Hàng Dầu | Du lịch Hoàn Kiếm – DuLịch24.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *