Khám Phá Lễ hội chùa Hương | Du lịch Mỹ Đức Chi Tiết

Cùng Mẹo Hay Today Khám Phá Lễ hội chùa Hương | Du lịch Mỹ Đức Ngay Nào:

Giới thiệu Lễ hội chùa Hương


Lễ hội chùa Hương: Hành trình về cõi Phật


Có mặt ở Hà Nội 3 tháng, đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán, Anni Winnie, một phóng viên trẻ của Indonesia, đã quyết định khám phá lễ hội đầu năm mới ở một nơi mà người Việt Nam coi như “đất Phật”. Đó là chùa Hương hay còn gọi là Hương Tích…


Một ngày đầu năm mới, khi người Việt Nam gọi đó là buổi đi làm “Tân Niên”, một người bạn Việt Nam gọi điện và hỏi tôi có muốn tham gia một ngày picnic cùng cô ấy và gia đình ở chùa Hương. Rất muốn tìm hiểu về phong tục tập quán mùa lễ hội để làm tư liệu viết bài, tôi không ngần ngừ mà gật đầu ngay.


Chùa Hương nằm ở địa phận xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 60km. Theo tìm hiểu, lễ hội chùa Hương thường bắt đầu vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài trong 3 tháng. Chúng tôi đi vào ngày 8 tháng Giêng, nghĩa là 2 ngày sau khi khai Hội. Hơn 1 tiếng ô tô, chúng tôi đến bến Yến. Sương mù vẫn còn bảng lảng trên suối. Mặt trời vẫn còn ngủ. Bình minh chưa tỉnh giấc. Bến Yến vẫn còn tối nhưng đã tấp nập vô cùng. Trên bến là người. Dưới bến là thuyền. Những con thuyền to, nhỏ đậu chen chúc và tiếng người xôn xao làm cho không gian một ngày hội như bừng tỉnh.


Khai lễ chùa Hương

Khai lễ chùa Hương


Chúng tôi qua mua vé thăm quan và vé thuyền. 55.000đ/người. Không hề đắt nếu bạn đi hết dòng suối Yến hiền hòa và thơ mộng. Gia đình bạn tôi và tôi xuống một chiếc thuyền nhỏ chở được 8 người. Một cặp vợ chồng chèo thuyền. Họ khá trẻ và rất khỏe mạnh. Có lẽ công việc chèo thuyền hàng ngày đã giúp họ có được cơ thể rắn chắc như vậy. Rời khỏi bến Yến đông đúc và bận rộn, chúng tôi bắt đầu chuyến đi yên bình với đích đến đầu tiên là đền Trình. Sự vội vã hình như không có trên chuyến hành hương này đối với bất kỳ ai. Ngồi trên thuyền, nào là những đôi trai thanh, nữ tú, những cụ bà mồm bỏm bẻm nhai trầu và cả những cô bé, cậu bé tuổi teen hay thậm chí các bé tầm vài tuổi đi cùng bố mẹ.


Chỉ mươi phút chèo thuyền, chúng tôi đã đến được đền Trình. Nghe mẹ bạn tôi kể thông qua lời dịch của cô ấy, tôi biết đền Trình và chùa Thiên Trù được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (khoảng thế kỷ 15), rất cổ kính và được coi là đất Phật của người Việt Nam. Mẹ bạn tôi mang lên đền Trình nào xôi, gà luộc cả con, giò và hoa quả thắp hương, khấn vái. Trong khi chờ bà hoàn tất buổi lễ, tôi lang thang ra phía sau của đền và rất ngạc nhiên khi nghe thấy những bài hát rất lạ. Một người phụ nữ ngồi trên chiếu, trên tay cầm hai cái chén, đập vào nhau và phát ra âm thanh như tiếng nhạc. Bà ấy hát bài gì nghe có vẻ lạ nhưng rất phù hợp với bầu không khí ở nơi đây. Tôi nghe say xưa và tưởng như được gặp lại những bài dân ca cổ của Indonesia. May quá! Cô bạn tôi đã đi ra. Tôi hỏi về điệu hát và biết tên đó một trong những điệu dân ca cổ của người Việt, hình như gọi là hát văn hay gì đó. Tôi vội thu vào điện thoại một đoạn và nghĩ sẽ mang về bật cho mẹ tôi nghe.


Xuống lại thuyền đi vào Thiên Trù, mẹ bạn tôi lấy đồ cúng ra chia cho mọi người ăn sáng. Bà gọi đó là “Thụ lộc”. Tôi chẳng hiểu là gì nhưng cũng cầm lấy và ăn rất ngon. Đơn giản là vì từ sáng sớm, chúng tôi chưa ăn gì và không khí lành lạnh cùng âm thanh mái chèo khua trong nước làm tôi muốn ăn.  Thật tuyệt khi được ngồi trên thuyền và mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ. Thi thoảng, cô bạn lại dịch cho tôi nghe những câu chuyện họ nói. Tôi chẳng hiểu rõ lắm vì nó liên quan đến tâm hồn gì đó.


30 phút ngồi trên thuyền để đi qua 5km của dòng suối Yến là phần thú vị và thư giãn nhất của hành trình. Tôi cũng thấy nhiều khách du lịch, nhất là người nước ngoài như tôi, mua vé đi cáp treo vào thẳng động. Cũng tiện đấy nhưng cá nhân tôi lại thích được khám phá lễ hội theo cách mà người xưa hay làm. Đó là đi bằng chính đôi chân của mình.


Trên suối Yến

Trên suối Yến


Ở chùa Hương có hàng chục điểm đến như Thiên Trù, động Hinh Bồng, Giải Oan, động Hương Tích, Thanh Sơn, Long Vân… Bạn tôi nói nếu đi 1 ngày thì không hết nên chỉ đến một số nơi như động Hương Tích, Giải Oan và Tuyết Sơn gì đó. Dưới chân Thiên Trù, chúng tôi bắt đầu hành trình lên động Hương Tích với mỗi người một chiếc gậy trên tay. Mặt trời đã ló dạng sau rặng núi. Trời sáng dần và hai bên đường đi, rặng cây rừng xanh ngắt, thi thoảng điểm tô bằng những bông hoa rừng sặc sỡ. Trên đường đi, người dân địa phương bán rất nhiều thứ, trong đó có những đặc sản của vùng như quả mơ nho nhỏ, vàng óng, những con rùa đá hay con sâu đá xinh xinh… Động Hương Tích nằm ở trên núi cao và cũng là điểm đến chính của chuyến đi. Tôi ngạc nhiên vô cùng với những đám đông leo lên động và bên trong đó. Cái động to lớn đó dường như trở nên bé xíu với số lượng người đông không tưởng tượng được. Tôi mon men đi xem những nhũ đá với hình thù lạ mắt mang những cái tên như Núi Vàng, Núi Bạc, Núi Gạo, Bầu sữa… và say sưa chụp hình trong khi cả đoàn sì sụp lễ bái.


Trong động Hương Tích

Trong động Hương Tích


Lại đi xuống sau khi cật lực leo đến động. Đúng là lúc này mà được ngồi cáp treo thì cũng khoái. Nhưng thôi, khám phá bằng chân vẫn rất thích thú, dù mệt! Chúng tôi trở ra bến thuyền và gặp lại cặp vợ chồng chèo thuyền. Họ vừa đưa một nhóm khác vào Thiên Trù và trở chúng tôi ra bến Yến.


Vào thời điểm này, khi mà hơi ấm của Tết cổ truyền còn lan tỏa, việc đi hành hương đến chùa Hương dường như là điều mà mọi người Việt đều muốn làm với hy vọng cầu trời phật ban cho may mắn trong một năm. Tôi cảm nhận được điều đó và hy vọng sẽ có dịp trở lại với đất Phật Hương Tích vào một dịp tương tự, thời gian gần nhất. Rất mong niềm mơ ước đó trở thành hiện thực để tôi lại có một dịp hành hương vào cõi Phật.

Nguồn Links: Lễ hội chùa Hương | Du lịch Mỹ Đức – DuLịch24.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *