Cùng Mẹo Hay Today Khám Phá Đền Bà Đế | Du lịch Đồ Sơn Ngay Nào:
Giới thiệu Đền Bà Đế
Thăm đền bà Đế ở núi Độc
Đền bà Đế nép mình vào núi Độc (quận Đồ Sơn), hướng mặt ra biển khơi bao la quanh năm sóng vỗ, tạo nên quang cảnh kỳ thú độc đáo có một không hai. Hằng năm, cứ đến dịp lễ hội, du khách thập phương lại tấp nập về đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thành tâm cầu tài, cầu lộc…
Nơi giao hòa giữa trời và biển
Có dịp về Hải Phòng, cô bạn đồng nghiệp đang công tác trên Hà Nội dành nửa ngày “bắt” tôi dẫn đi tham quan đền bà Đế. Bởi, từ lâu, cô mê tít câu chuyện tình đầy thơ mộng nhưng cũng lắm éo le giữa một vị chúa đầy quyền uy với một thiếu nữ xinh đẹp ở làng chài.
Đền bà Đế
Con đường nhỏ dẫn vào cổng đền bày bán nhiều đồ hải sản, từ con cua biển kềnh càng đến những con cáy chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Những cô bán hàng luôn nở nụ cười tươi rói, đon đả mời chào. Thoáng nghe bên tai tiếng một phụ nữ đặc sệt chất giọng của người miền biển: “Cô cậu đẹp đôi quấn quýt nhau thế này, đi đền, dăm bữa về, chẳng khéo lại chia tay”. Cô bạn đồng nghiệp, vốn đáo để, hướng về phía người phụ nữ kia hỏi: “Cô ơi, có chuyện ngược lại không?”. Hỏi xong, cô quay lại phía tôi, gương mặt đỏ hồng, nháy nháy mắt: “Ông nghe thấy chưa, may mà tôi với ông chưa “dính” phải nhau!”.
Chúng tôi cùng nhau bước vào sân đền. Dạo quanh hết mọi nơi, tôi rủ vào trong đền, cô bạn ra dấu không vào và nháy mắt nói thầm: “Giờ, mất tình bạn với ông cũng đáng tiếc…!”.
Từ xa, núi Độc nhìn như một giọt mực xanh biếc điểm xuyết vào bức tranh trời biển bao la. Nhưng khi lại gần, núi khá lớn với những vách đá cheo leo, hiểm trở cùng bạt ngàn cây xanh. Nhiều khách thập phương đến đây thích thú về cảnh đẹp ở nơi giao hòa giữa trời và biển cùng thế phong thủy hiếm.
Đền bà Đế nép mình vào núi Độc
Lung linh truyền thuyết
Mặt trời lên cao, chúng tôi dạo bộ ra khu bãi đá phía bên phải đền. Thấp thoáng bóng người len lỏi giữa những tảng đá khá trơn trượt lởm chởm đầy hà đá. Lại gần bắt chuyện, mới biết đó là hai mẹ con tranh thủ thời gian rảnh rỗi ra bờ biển kiếm ít đồ tươi về cải thiện bữa cơm gia đình. Cậu con trai chỉ hơn chục tuổi, tóc rối bời vì gió, gương mặt đen nhẻm, đang lúi húi chọn những chỗ hang, hốc để câu cá bống. Thi thoảng, cậu bé lại vẫy vẫy chiếc cần câu bé tẹo, lưỡi câu lủng lẳng con cá bống bằng ngón chân cái, miệng nở nụ cười tươi rói. Còn người mẹ đang mải miết gõ hà, thấy chúng tôi tò mò đứng nhìn, liền ngước mắt lên, miệng cười tủm tỉm rồi nói với chúng tôi y hệt câu người phụ nữ trước cổng đền. Cô bạn đồng nghiệp, vốn lúc nào cũng đáo để, tròn xoe đôi mắt hỏi lý do. Người phụ nữ này vừa nha nhẩn gõ hà, vừa kể…
“…Xưa, dưới chân núi Độc, có đôi vợ chồng họ Ðào, lấy nhau 20 năm mà không có con. Suốt chừng ấy năm, họ luôn tu thân, tích đức, cầu xin trời phật ban cho một mụn con. Sự thành tâm của họ khiến trời phật động lòng. Người vợ mang thai, tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ tỏa hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có mây che đến đó. Càng lớn lên, nàng Hương càng xinh đẹp, lộng lẫy và hát rất hay.
Tượng bà Đế
Chúa Trịnh Doanh đi kinh lý Ðồ Sơn, khi thuyền rồng ngang qua núi Độc, bỗng vang lên tiếng hát trong veo, thánh thót, êm dịu như rót mật vào lòng. Không thể kiềm chế lòng mình, chúa Trịnh Doanh liền truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được nàng Hương, sắc đẹp tuyệt trần và mùi thơm toát ra khiến vị chúa trẻ từ ngỡ ngàng, bối rối đến sinh lòng yêu mến lúc nào chẳng hay.
Sau khi chia tay, nàng Hương phát hiện mình mang cốt nhục của chúa Trịnh Doanh, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa đến đón như lời hứa lúc chia tay. Khi hàng Tổng biết chuyện, liền trói nàng Hương lại và đem dìm xuống biển. Trước khi chết, nàng Hương ngửa mặt lên trời khóc than: “Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương, tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên lệ làng… Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần”. Quả nhiên, xác của nàng Hương nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ.
Chúa Trịnh Doanh giữ lời hẹn ước, khi cho thuyền rồng đến đón, mới biết nàng Hương đã thác oan. Chúa quá đau buồn, cho lập đàn giải oan và truyền lệnh cho hàng Tổng lập đền thờ. Vào thời vua Tự Đức triều Nguyễn, trong một lần thăm đền nàng Hương, nhà vua ban sắc phong “Đông nhạc Đế bà- Trịnh chúa phu nhân”. Từ đó, ngôi đền được gọi là đền bà Đế…
Nghe truyền thuyết về đền bà Đế giữa bao la trời biển Đồ Sơn, tôi chợt nhớ câu thơ thương cảm cho nỗi oan khuất của người xưa: “Lòng sáng như băng trời đất biết/ Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay/ Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy/ Ðể giải hồn oan cõi thế này”.
Nguồn Links: Đền Bà Đế | Du lịch Đồ Sơn – DuLịch24.com.vn