Cùng Mẹo Hay Today Khám Phá Chợ Đà Lạt | Du lịch Đà Lạt Ngay Nào:
Giới thiệu Chợ Đà Lạt
GIỚI THIỆU CHỢ ĐÀ LẠT
Chợ Đà Lạt không rõ đã có từ lúc nào, nhưng cho đến khi Hébrard hoàn thành đồ án quy hoạch thị xã Đà Lạt vào năm 1923 thì người ta cũng được biết đến một ngôi chợ ở vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay. Năm 1929, khi dân số Đà Lạt đã lên đến 2.000, công sứ Chassaing đã cho dời ngôi chợ này về khu vực mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình. Hồi ấy chợ được dựng bằng ván gỗ lợp mái tôn nên còn được gọi là “chợ cây”.
Từ 1935 – 1937, công sứ Lucien Auger đã cho xây dựng một khu chợ mới bằng gạch khang trang hơn trên nền chợ cũ, và đã giao cho hãng S.I.D.E.C thiết kế thi công. Ngôi chợ mới với kiến trúc giản dị nhưng khá độc đáo đã một thời là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.
Hiệp định Genève năm 1954 đã làm cho dân số Đà Lạt tăng vọt lên trên 50.000 người, lúc này ngôi chợ đã quá tải, lại bị một đầm xà lách cùng rác rưởi bên cạnh làm ô uế cảnh quan, Thị trưởng bấy giờ là Trần Văn Phước đã quyết định xây dựng ngay tại vị trí đầm rác một ngôi chợ lầu đầu tiên của Việt Nam. Ngôi chợ này đã được kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức và các kỹ sư Việt Nam thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiếu đảm trách phần thi công – công trình khởi công từ năm 1958 đến năm 1960 mới hoàn thành. Khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ở Pháp về, ông được mời tham gia chỉnh trang ngôi chợ mới và đã thiết kế chiếc cầu thang nối tầng 2 chợ với khu Hòa Bình, cũng như hệ thống đường xá, nhà phố chung quanh chợ. Cùng thời gian này chính quyền cũng đã nhờ hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết kế cải tạo ngôi chợ cũ thành rạp hát Hòa Bình (nay là Rạp 3 – 4) với các quầy hàng thương mại dịch vụ chung quanh như hiện nay.
Đến với chợ Đà Lạt hôm nay, du khách có thể hài lòng với các mặt hàng thật phong phú, các quầy hàng ăn uống sạch sẽ vệ sinh và giá cả ổn định.
Chợ Đà Lạt khá đa dạng và phong phú với các chủng loại hàng hóa gồm: rau Đà Lạt (bắp cải, súp lơ, bông atisô, tầng ô, bó xôi,…); hoa Đà Lạt (hồng, cúc, cát tường, lily, layơn, huệ trắng,…); đặc sản Đà Lạt (dâu tây, hồng, bơ, mứt dâu, nước cốt dâu, khoai lang dẻo, hồng khô, rượu cần, rượu vang và một số loại mứt khác); quầy hàng ăn uống với đầy đủ các món ăn từ ba miền Bắc Trung Nam; quầy hàng may mặc, đặc biệt là hàng len (áo len, mũ len, khăn len,… từ hàng dệt đến hàng đan tay đều có); quầy hàng lưu niệm, v.v…
Chợ Đà Lạt không hoạt động về đêm, mở cửa lúc 7h00 và đóng cửa lúc 19h00 hàng ngày
Tuy nhiên, Đà Lạt hiện tồn tại chợ đêm với các mặt hàng như: hàng len, hàng ăn uống, rau quả để du khách vừa mua sắm vừa đi dạo ngắm cảnh ban đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt.
Dạo chơi ở thành phố của cái lạnh nhè nhẹ vào mùa hè, hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua khu chợ đêm với nhiều hoạt động ẩm thực sôi động.
Ngoài những rừng thông xanh rì âm u cùng mặt hồ lấp lánh, thành phố tình yêu lãng mạn bậc nhất Việt Nam còn được biết đến với khu chợ đêm sầm uất, tạo nên nét văn hóa ăn quà ban đêm rất thú vị, độc đáo cho ẩm thực nơi này.
Chợ Đà Lạt – Thiên đường ẩm thực giữa lòng thành phố
Đà Lạt nhỏ xíu và xinh xắn, không kể những khu danh lam thắng cảnh phục vụ ngành du lịch, hầu như toàn bộ đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây đều xoay quanh trung tâm thành phố nơi có hồ Xuân Hương lãng mạn và thanh bình. Quanh hồ có khu Hòa Bình nổi tiếng với cafe Tùng cùng nhiều hàng cháo, phở, quán ăn sáng, nhưng cũng có khu chợ đêm Đà Lạt hay còn gọi là “chợ Âm Phủ” chuyên phục vụ những món ăn khuya, tạo nên một không gian văn hóa ẩm thực muôn màu muôn vẻ ngay trung tâm thành phố.

Quang cảnh Hồ Xuân Hương, nơi tụ tập các khu ăn uống nổi tiếng của Đà Lạt
Mang cái tên khá “ghê rợn”, nhưng “chợ Âm phủ” ở Đà Lạt không hề ảm đạm hay ma quái mà trái lại, nó vô cùng thú vị và náo nhiệt. Chợ hoạt động liên tục gần 12 tiếng đồng hồ từ 6 – 7 giờ tối đến 6 – 7 giờ sáng hôm sau, đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, vải vóc, quà lưu niệm cho đến vô số các món ăn khuya thơm ngon hấp dẫn. Ban đầu, chợ chỉ là một nhóm những gánh hàng quà vặt tụ tập dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt, hàng quán bán về khuya lại chưa có đèn điện như hiện nay nên người ta tạm gọi là “chợ Âm phủ”. Sau một thời gian dài phát triển, dù về quy mô lẫn mặt bằng đều được mở rộng song khu chợ đêm vẫn được giữ cái tên cũ “Âm phủ” – như một cách gọi hài hước lẫn thân thuộc của người dân bản xứ, và dần dần của cả du khách.
Ăn gì ở chợ đêm nhỉ ?
Nếu bụng đang cồn cào và muốn tìm một món ăn ngon miệng, chắc dạ, bạn đừng quên ghế những hàng bánh canh, hủ tíu, bún riêu ở chợ Âm Phủ nhé! Các món nước ở đây luôn thơm lừng, nóng hổi, tạo ra sự cộng hưởng tuyệt vời với thời tiết se lạnh ở Thành phố tình yêu. Ngoài ra, trong các món ăn tưởng chừng quen thuộc ấy, ta sẽ bất ngờ khi bắt gặp những biến tấu rất riêng của ẩm thực Đà Lạt như bún riêu với thịt viên, hoặc bánh canh với giò, chả…

… và bún riêu thơm nức
Thịt nướng cũng là một lựa chọn tốt để vừa nhâm nhi, vừa tán gẫu giữa không khí lành lạnh quanh khuôn viên hồ Xuân Hương. Thịt nướng ở chợ đêm đa dạng về chủng loại, có đầy đủ heo, bò, gà, cho tới chân gà, cánh gà, gan gà, sườn non, bò lá lốt, xúc xích, cá viên, bò viên… Khi mua, thịt sẽ được người bán nướng lại trên lò than làm tăng độ nóng giòn cũng như dậy mùi thơm hấp dẫn.
Nhắc đến những món ăn vặt trứ danh của Đà Lạt, ta không thể bỏ qua bánh tráng nướng.
Nhắc đến những món ăn vặt trứ danh của Đà Lạt, ta không thể bỏ qua bánh tráng nướng. Đây là món ăn được bày bán nhiều nhất chợ đêm. Chỉ với một lò than nhỏ cùng ít nguyên liệu bày biện xung quanh, từng mẻ bánh tráng nướng giòn rụm dần được hình thành. Bánh tráng nướng Đà Lạt không nhiều nhân như bánh ở Sài Gòn, nhưng bù lại có độ nóng giòn từ lửa than và béo ngậy từ trứng.

Nhắc đến những món ăn vặt trứ danh của Đà Lạt, ta không thể bỏ qua bánh tráng nướng.
Nếu đã chán những món mặn, bạn hãy thử khám phá mảng đồ ngọt kì thú và độc đáo của chợ đêm Đà Lạt. Nổi bật nhất có lẽ là sữa đậu nành nóng nguyên chất, sóng sánh trong những nồi thiếc con con đầy hấp dẫn. Ngoài sữa đậu nành, ở đây còn bán sữa đậu xanh, đậu phụng và đặc việt là sữa hột gà thơm nức.
Kết hợp với ly sữa đậu nóng hổi ngọt ngào là những món bánh độc đáo của đà Lạt. Ngay từ đầu chợ, bạn sẽ bắt gặp một dọc những hàng bánh trái gồm bánh su, bánh bông lan… đủ mùi đủ vị, còn giữ được vẻ tươi ngon của bánh làm tại nhà thay vì sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp.
Hoặc nếu không thích bánh Tây, bạn có thể thử món bánh ống bảy màu được bày bán trên những gánh hàng rong khắp chợ. Đây vốn là đặc sản Sóc Trăng nhưng với hương vị thơm ngon của mình, bánh ống đã mau chóng “xâm chiếm” nền ẩm thực chợ đêm Đà Lạt. Vỏ bánh là bánh tráng có độ mỏng vừa, dai dai và không quá ngọt, nhân bánh là những sợi bột gạo tơi mịn được xây nát trộn với đường, cốt dừa, thơm mùi lá dứa. Bánh được cuốn thành hình ống, mang nhiều màu sắc sặc sỡ và hấp dẫn khó quên nhờ vị béo béo của dừa, hương thơm của lá dứa kết hợp cùng vị ngọt thanh nhẹ nhàng.
Được mệnh danh là xứ sở của tình yêu, là vùng đất lãng mạn và thanh nhã bậc nhất Việt Nam, từ lâu Đà Lạt đã khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng có phần u sầu, buồn bã. Song bên dưới nét u buồn lãng mạn của những rừng thông tít tắp và mặt hồ bình thản ấy, đời sống Đà Lạt vẫn vận hành thật tươi mới, náo nhiệt theo cách riêng của mình, điển hình là hình thức sinh hoạt cùng nhau tụ tập mua bán, ăn uống thật vui vẻ tại chợ đêm Đà Lạt sầm uất.
Nguồn Links: Chợ Đà Lạt | Du lịch Đà Lạt – DuLịch24.com.vn